Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS)
TỔNG QUAN VỀ CHƯƠNG TRÌNH CẤP PHÉP VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI HÀN QUỐC (EPS)
EPS (Employment Permit System - Hệ thống cấp phép việc làm) theo Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua, sử dụng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, mọi chế độ, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của NLĐ nước ngoài tương đương NLĐ trong nước
Theo quy định này, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi không tuyển dụng được lao động trong nước sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài với số lượng nhất định; việc giới thiệu, quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ với 15 nước trong đó có Việt Nam để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc
Tại Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước (Center of Overseas Labour – Colab) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có chức năng tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo hệ thống EPS, đi XKLĐ theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng 100% do tính pháp lý cao, được chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bảo vệ
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH EPS TẠI VIỆT NAM
Nhu cầu XKLĐ nước ngoài xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng những năm gần đây XKLĐ Hàn Quốc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu lao động ở Hàn Quốc rất cao và Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng lao động trẻ - khoẻ - có tay nghề
Sau hơn 15 năm triển khai, Việt Nam đã cử trên 100.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Hàn Quốc bắt đầu nhận lao động Việt Nam từ năm 1994, sau nhiều trường hợp lao động Việt Nam định cư bất hợp pháp thông qua con đường này, Hàn Quốc từng không nhận lao động Việt Nam trong 2 năm rưỡi sau đó mới “bật đèn xanh” trở lại
NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CHƯƠNG TRÌNH EPS
- Chi phí thấp, mức lương khá cao
- Thời hạn visa dài: 4 năm 10 tháng
- Được đổi công ty 3 lần trong thời hạn visa
- Người sử dụng lao động thường sẽ hỗ trợ ăn ở cho nhân viên
- Được hỗ trợ làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập (tối đa 12 giờ/tuần)
- Sau khi hết hợp đồng lao động, người lao động trở về nước và được phép đăng ký thi để đi Hàn Quốc lần 2
- Trong quá trình sinh sống và lao động, người lao động đạt được trình độ tiếng Hàn nhất định, được học hỏi kỹ năng, tác phong làm việc người bản địa từ đó gia tăng cơ hội việc làm đồng thời tích lũy được một khoản tiền khá lớn khi về nước
ĐIỀU KIỆN NHÂN THÂN
- Độ tuổi: từ 18 đến 39, sức khỏe tốt
- Chiều cao, cân nặng:
+ Đối với nam: cao trên 160 cm, nặng từ 50 kg trở lên
+ Đối với nữ: cao trên 150 cm, nặng từ 45 kg trở lên
-Trình độ học vấn: THCS trở lên
- Không có tiền án tiền sự
- Không thuộc đối tượng bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc, không có người thân có tên trong hộ khẩu sống, định cư bất hợp pháp tại Hàn Quốc
- Không nằm trong số những vùng miền bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc
- Phải vượt qua kì thi tiếng Hàn EPS do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức
ĐIỀU KIỆN TÀI CHÍNH
+ 630 USD (hồ sơ, lệ phí Visa, vé máy bay...) nộp tại Trung tâm lao động ngoài nước
+ 500 USD chi phí bảo hiểm và chi phí hồi hương, trong đó 50 USD tiền bảo hiểm rủi ro, 450 USD chi phí hồi hương, nếu người lao động kết thúc hợp đồng đúng hạn thì số tiền này sẽ được nhận lại sau khi trở về Việt Nam
+ Lệ phí đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn: 24 USD
+ Chi phí học tiếng Hàn tại TANICO: 10 triệu VNĐ
Tổng cộng: 1.154 USD ~ 27 triệu VNĐ + 10 triệu VNĐ học tiếng Hàn = 37 triệu VNĐ
+ Ngoài ra người lao động phải ký quỹ 100 triệu VNĐ tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quyết định 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS: 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại nơi đăng ký thường trú. Toàn bộ số tiền ký quỹ (100 triệu VNĐ) người lao động có thể vay tại ngân hàng mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
QUYỀN LỢI
Thị trường lao động Hàn Quốc được đánh giá là một trong những thị trường được nhiều người lao động Việt Nam quan tâm. Khi so sánh với mức lương xuất khẩu lao động nhận được tại các nước khác, Hàn Quốc vẫn nằm top trên danh sách với mức lương được đưa ra khá cao
Thông thường, một người xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc sẽ có thu nhập dao động từ 25 đến 30 triệu VNĐ phụ thuộc vào từng công việc khác nhau. Sau khi đã trừ hết các chi phí ăn ở, sinh hoạt hằng ngày thì trung bình người xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc tích lũy được khoảng 15 đến 20 triệu VNĐ/tháng. Như vậy, sau 4 năm 10 tháng làm việc người lao động có thể tích lũy được số tiền từ 870 triệu VNĐ đến 1,160 tỷ VNĐ
NGÀNH NGHỀ TUYỂN DỤNG
- Sản xuất chế tạo: Sản xuất máy móc, thiết bị, điện tử, đồ nhựa, giấy,...
- Nông nghiệp: Trồng rau, nấm công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm,...
- Xây dựng: Lắp đặt thiết bị điện nước trong nhà, hàn, cốp pha, giàn giáo, vận hành thiết bị xây dựng,...
- Ngư nghiệp: Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản,…
QUY TRÌNH THỰC HIỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
Bước 1. Học tiếng Hàn
Người lao động phải học tiếng Hàn để có thể tham dự kỳ thi tiếng Hàn EPS-KLT tại Trung tâm Ngoại ngữ TANICO (45A Nguyễn Tất Thành – BMT). Thời lượng khóa học: 500 tiết, với giáo trình gồm 60 bài của Bộ LĐ-TB&XH + Bộ tài liệu và bộ đề luyện thi do TANICO biên soạn
Bước 2. Tham dự kỳ thi tiếng Hàn
EPS-KLT là kỳ thi tiếng Hàn dành cho chương trình EPS, do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức
Kế hoạch thi sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động trực tiếp đăng ký tại các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có hộ khẩu thường trú và dự thi tại địa điểm do Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo
Bước 3. Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển
Những người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn sẽ được thông báo để làm thủ tục đăng ký dự tuyển (mua hồ sơ, kê khai và nộp) thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đã đăng ký dự thi tiếng Hàn. Hồ sơ dự tuyển được chuyển về Trung tâm Lao động ngoài nước kiểm tra, xử lý, những hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được gửi sang Hàn Quốc
Bước 4: Doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn, ký hợp đồng lao động
Những người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn để ký hợp đồng lao động sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo, bằng các phương thức như sau:
- Gửi công văn thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn
- Gửi thư trực tiếp qua đường bưu điện tới người lao động.
- Đăng tải danh sách những người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước
Bước 5: Nộp tiền, ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với Trung tâm Lao động ngoài nước
Khi nhận thông báo của Trung tâm về việc được lựa chọn để ký hợp đồng lao động, người lao động nộp khoản tiền Việt Nam đương với 630 đô la Mỹ (theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Số tiền này để chi trả lệ phí xin cấp visa, tiền mua vé máy bay lượt đi sang Hàn Quốc, chi phí tuyển chọn, xử lý hồ sơ và chi phí đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết
Người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước và thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng này
Bước 6: Ký quỹ tại Ngân hàng chính sách xã hội
Người lao động thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp với số tiền là 100 triệu đồng theo quyết định 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS: 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại nơi đăng ký thường trú. Toàn bộ số tiền ký quỹ (100 triệu VNĐ) người lao động có thể vay tại ngân hàng mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay
Chỉ những người lao động đã thực hiện ký quỹ mới được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Bước 7: Tham dự khóa Bồi dưỡng kiến thức cần thiết và xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
- Người lao động tham dự khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết do Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức. Chỉ những người lao động đạt yêu cầu qua đợt kiểm tra cuối khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết và được cấp chứng chỉ mới được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ gửi công văn thông báo xuất cảnh cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và trực tiếp qua đường bưu điện cho người lao động. Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ trực tiếp hướng dẫn các thủ tục, tổ chức đưa người lao động ra sân bay Nội Bài và đón người lao động tại sân bay Incheon, Hàn Quốc
Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, những người lao động đủ điều kiện sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước xin cấp visa nhập cảnh Hàn Quốc tại Đại sức quán Hàn Quốc tại Việt Nam và phối hợp với phía Hàn Quốc bố trí xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc
Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo lịch xuất cảnh thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Trung tâm
Trong ngày tập trung xuất cảnh người lao động phải kiểm tra lại sức khỏe, bao gồm các nội dung: xét nghiệm máu, chụp XQ phổi, khám thai nếu là lao động nữ (nếu đủ điều kiện mới được xuất cảnh), đồng thời người lao động phải mang theo Giấy xác nhận ký quỹ bản chính để nộp cho Trung tâm Lao động ngoài nước
Bước 8: Thực hiện hợp đồng lao động tại Hàn Quốc và về nước đúng hạn khi hết thời hạn hợp đồng lao động
Người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo thời gian trong hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động. Trước khi hết hạn hợp đồng lao động, người lao động phải thông báo kế hoạch về nước của mình với Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc để Trung tâm Lao động ngoài nước có căn cứ thanh lý hợp đồng và làm các thủ tục tất toán tài khoản ký quỹ cho người lao động
Bước 9: Thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tất toán tài khoản ký quỹ.
- Nếu người lao động về nước đúng thời hạn, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS mà người lao động đã ký với Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tự động thanh lý. Trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động về nước, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo bằng văn bản cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội để có cơ sở hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản ký quỹ cho người lao động
- Nếu người lao động bỏ trốn trước khi về nơi làm việc theo Hợp đồng lao động (bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, bỏ trốn tại Cơ sở đào tạo của Hàn Quốc...) hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động thì tiền ký quỹ của người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc